Tin Hoạt động Công ty
Những người lính bảo vệ Công trình Dầu khí (kỳ cuối).
>> Xem thêm: Những người lính bảo vệ Công trình Dầu khí (kỳ 1)

Nhắc đến lực lượng bảo vệ dầu khí, kể cả những người trong ngành cũng khó mà nói được rành rẽ sự khác biệt giữa bảo vệ PV Security và các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ khác. Điều này cũng dễ lý giải bởi hiện nay có khoảng hơn 500 công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ trên cả nước, nếu tra cứu trên mạng Internet thì có hơn 2,2 triệu kết quả liên quan đến doanh nghiệp, các loại hình bảo vệ. Mà thông thường doanh nghiệp nước ta vẫn đang thuê bảo vệ theo kiểu chỉ để dắt xe cho khách... Ấy vậy mới có chuyện khi kinh tế khó khăn thì ngay lập tức các ông chủ doanh nghiệp nghĩ đến việc đuổi bảo vệ để giảm chi phí mà bất chấp hậu quả cũng như hệ lụy nếu xảy ra sự cố an ninh.


Kỳ 2: Bảo vệ phải thật sự chuyên nghiệp
 
Khởi nguồn của bảo vệ dầu khí

Tháng 5-2016, tôi có dịp tham gia phản ánh vụ việc một số hộ dân tại Tiền Hải - Thái Bình xâm phạm hành lang an toàn tuyến đường ống dẫn khí của mỏ Hàm Rồng - Thái Bình. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã xử lý vụ việc một cách “trọn lý, vẹn tình”, đạt được sự đồng thuận và nhất trí cao từ lãnh đạo tỉnh Thái Bình đến các hộ dân trong vùng. Chứng kiến từ đầu tới cuối, tôi lại càng cảm phục những người bảo vệ dầu khí khi biết rằng suốt tuyến đường ống dài hơn chục kilômét, chỉ có vỏn vẹn hai nhân viên bảo vệ thay phiên nhau tuần tra suốt ngày đêm. Khi phát hiện người dân xâm phạm an toàn tuyến đường ống, các anh lập tức nhắc nhở, lập biên bản. Nhưng nhận lại là sự thóa mạ, dọa đánh, dọa giết.

Thấu hiểu tâm lý “tham công tiếc đất” nên dù người dân phản ứng quá khích, các anh vẫn nhẫn nại, giải thích để người dân tự nguyện hợp tác. Vụ việc được giải quyết êm đẹp nhưng tôi vẫn nhiều lần sởn tóc gáy khi tự hỏi nếu bảo vệ PV Security lơ là tuần tra, không kịp thời phát hiện gần chục hộ dân đang lục tục đào móc vào khu vực tuyến đường ống nén khí cao áp thì khi xảy ra tai nạn sẽ khủng khiếp như thế nào. Bởi đường ống dẫn khí gas cao áp nếu phát nổ thì chẳng thua gì các loại bom có sức công phá lớn, có thể thổi tung toàn bộ nhà cửa trong bán kính vài chục mét.




Tuần tra quan sát khu vực Cảng

Từ câu chuyện tại Thái Bình, tôi nhớ đến chuyện ra đời của lực lượng bảo vệ an ninh dầu khí xuất phát từ bối cảnh cực kỳ trớ trêu. Cách đây hơn 8 năm, khi Dự án xây dựng NMLD Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đang triển khai đến giai đoạn lắp đặt thiết bị và chuẩn bị vận hành chạy thử đã xảy ra một cuộc họp có nội dung hi hữu trong lịch sử dự án. Đó là việc nhà thầu quyết liệt đòi bỏ của chạy lấy người bởi tình trạng mất an ninh trên công trường, đặc biệt là việc mất cắp vật tư, trang thiết bị. Rất nhiều CBCNV ngành Dầu khí từng tham gia xây dựng, vận hành NMLD Dung Quất còn nhớ cái cuộc họp căng như dây đàn ấy khi Tổ hợp nhà thầu Nga khẳng định, dự án sẽ không thể hoàn thành nếu cứ liên tục xảy ra mất cắp như vậy. Lúc ấy, Chủ tịch HĐTV PVN, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã ngay lập tức quyết định thành lập một lực lượng an ninh chuyên nghiệp, tập trung những con người có trình độ, tâm huyết để bảo vệ những công trình dầu khí. Và chỉ ít ngày sau, PV Security ra đời với sự sáp nhập toàn bộ lực lượng bảo vệ từ các đơn vị trong ngành Dầu khí trên cả nước.

Con người là tài sản lớn nhất

Sau sự việc tranh chấp tại Viện Nhi Trung ương giữa bảo vệ và lái xe cấp cứu chuyển bệnh nhân, nhiều việc lùm xùm liên quan đến bảo vệ được báo chí phân tích khá nhiều. Nhưng việc đào tạo bảo vệ và cơ sở nào để đánh giá mức độ chuyên nghiệp của một lực lượng đang ngày càng có nhu cầu cao của xã hội lại chẳng có ai nhắc tới. Khi tôi đem việc này hỏi Giám đốc PV Security Vũ Khánh Vinh thì được anh “giảng” cho một bài: “Bảo vệ có chuyên nghiệp hay không thì chưa xét đến công việc cụ thể mà chỉ cần nhìn vào quy trình đào tạo, tuyển dụng, đề bạt là biết ngay”.

Quả là thế thật! Đơn cử như việc nhiều công ty bảo vệ tuyển dụng nhân viên rất đơn giản, cứ còn sức khỏe cộng thêm một bộ hồ sơ lý lịch là tuyển. Trong khi đó, để PV Security có một nhân viên bảo vệ hợp quy cách cần phải sàng lọc kỹ càng qua nhiều khâu, từ tuyển sinh, xét lý lịch, ngoại hình đến gửi đi đào tạo rất nhiều kỹ năng cơ bản tập trung tại trung tâm huấn luyện Cảnh sát cơ động của Bộ Công an. Nói cách khác, toàn bộ bảo vệ của PV Security được đào tạo như cảnh sát cơ động ít nhất là 6 tháng. Sau khi đủ điều kiện, phù hợp với yêu cầu lại được thử thách tại nhiều vị trí, dạng mục tiêu khác nhau. Trong thời gian đó, những nhân viên có thành tích, đạo đức tốt còn liên tục được cử đi học các chương trình nâng cao nghiệp vụ về tâm lý hình sự, sử dụng các phương tiện thiết bị hỗ trợ kỹ thuật cao trong công tác an ninh. Nền tảng của người bảo vệ PV Security khi vào ngành là phải đạt thành tích từ mức khá trở lên các hạng mục như huấn luyện kỷ luật, võ thuật, thực hiện các điều lệnh công tác, sử dụng thuần thục các thiết bị, phương tiện phòng chống tội phạm… của ngành an ninh, cảnh sát.

Đến với Khu LHLHD Nghi Sơn, công trình trọng điểm về kinh tế, năng lượng, tôi được mục sở thị hàng loạt biện pháp nghiệp vụ về an ninh, sự phối hợp nhuẫn nhuyễn giữa các tổ, đội chuyên trách như đội tuần tra cơ động, đội phản ứng nhanh, tổ nghiệp vụ (chuyên trách phát hiện, ngăn ngừa, điều tra khi có dấu hiệu phạm tội)… Đó là chưa kể đến mạng lưới cộng tác viên mà các anh hay gọi là đặc tình được PV Security vận động và “cài cắm” rộng khắp trong 8 xã quanh dự án. Bởi vậy, tôi không quá ngạc nhiên khi thấy tại đây nhiều thiết bị an ninh công nghệ cao như cửa dò kim loại, vũ khí, máy camera soi gầm, chó nghiệp vụ… được áp dụng tương tự như những “điểm nóng” tại trung tâm đầu não của đất nước như Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình hay Tòa nhà Quốc hội.




Bảo vệ PVSecurity áp tải xe chở dầu trong công trường

 
Ngay tại cổng vào dự án, mỗi cửa ra vào được trang bị cửa từ có thể phát hiện kim loại, vũ khí giấu trong người. Đây là thiết bị dò kim loại thuộc dạng tiên tiến nhất, mỗi cửa có khả năng quét thành 6 khu vực phát hiện theo mặt lưới trên cấu trúc cơ bản của cơ thể của con người. Đồng thời áp dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến và xung phát ra tương tác và nhận được thiết bị để xác định vị trí chính xác kim loại, tránh được các điểm mù trong phạm vi quét. Độ nhạy cảm của thiết bị này còn được thiết lập theo tình hình ứng dụng thực tế mà không bị ảnh hưởng của chìa khóa, đồ trang sức, tiền… nhưng vẫn có thể phát hiện con dao và khẩu súng lục. Độ nhạy cao nhất có thể kiểm tra một kim loại lớn như một cái ghim. Thiết bị cửa dò kim loại được PV Security sử dụng có các “mắt thần” quét hồng ngoại từ hai bên cánh có thể nắm bắt kịp thời những tín hiệu, do đó tránh được sai sót phát hiện khi mọi người đang đi qua. Đồng thời tốc độ quét cực nhanh đáp ứng lưu lượng 60-70 người/phút cũng giúp các bảo vệ kiểm soát số lượng người đi qua và vào cửa chính xác. Nghe đâu, mỗi chiếc cửa dò kim loại này có giá thấp nhất cũng lên đến hơn 30 triệu đồng/chiếc. Cùng với thiết bị dò tìm kim loại, các bảo vệ PV Security còn sử dụng hàng trăm công cụ an ninh như camera soi gầm xe, các công cụ hỗ trợ như súng bắn đầu đạn cao su, dùi cui điện… để phát hiện, trấn áp tội phạm.

Đặc biệt ấn tượng là câu chuyện về các chú chó nghiệp vụ. Đây là lực lượng được huấn luyện chuyên nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các đội tuần tra đêm, phát hiện nhiều vụ xâm nhập trái phép vào dự án. Nhắc đến các cảnh khuyển, anh em luôn dành cho các chú chó những tình cảm đặc biệt. Anh Vũ Khánh Vinh còn thông báo sắp tới các anh sẽ xin điều 2 “siêu” cảnh khuyển về phục vụ dự án vào đợt cao điểm. “Xét về “lý lịch”, quá trình đào tạo đến bằng cấp thì những cảnh khuyển này đều minh bạch đến tận ba đời, được đào tạo và tốt nghiệp tại các trường dạy chó đặc nhiệm nổi tiếng tận châu Âu, châu Mỹ. Còn về trình độ thì khỏi bàn, “mấy cậu” ấy có thể phát hiện ra hàng trăm loại mùi từ ma túy, thuốc nổ, vũ khí. Chúng tôi đã từng “thách” lãnh đạo LHLHD Nghi Sơn đem một khối thuốc nổ giấu trong khuôn viên của mình. Mà LHLHD Nghi Sơn rộng thế nào thì chú biết rồi đấy. Ấy thế nhưng chỉ vài phút, “siêu cảnh khuyển” đã tìm ngay ra chỗ khối thuốc nổ được vùi sâu dưới cát trước sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người…”.

Trong những ngày ở Nghi Sơn, tôi đã vài lần đi tìm anh Lê Đăng Ngọc, nhân viên bảo vệ PV Security tại cổng số 5, người đã từ chối nhận tiền hối lộ của đối tượng trộm cắp trong công trường, nhưng rất tiếc là dịp này thì anh Ngọc đang được nghỉ phép về thăm gia đình. Biết chuyện, anh Trần Mạnh Lực, Trưởng phòng Hành chính - Đào tạo PV Security Nghi Sơn chỉ cười và bảo: “Chuyện anh em không nhận hối lộ là chuyện cơm bữa thôi anh ơi. Đối tượng trộm cắp bị bắt quả tang thì ít mà nhiều nhất là mấy bác tài xế chạy xe vượt tốc độ quy định trong công trường là hay “xì tiền” ra như một “thói quen”. Anh em chúng tôi nhắc nhở mãi không được đến khi phải lập biên bản rồi báo lên nhà thầu xử lý treo thẻ ra vào công trường thì mới… chừa”.

Nhìn nụ cười sáng trên gương mặt đen nhẻm của anh Lực tôi chợt nhận ra một điều là chưa có công ty nào mà từ “quân tới tướng” lại có một điểm chung là đều đen đúa vì cùng phải ăn nắng, nằm sương. Tôi thấy thấm thía về cái châm ngôn của họ “Bảo vệ là một nghề mà con người là tài sản lớn nhất, có vị trí quan trọng nhất”. Các anh không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn rất nhiều hành động đầy quả cảm, nhân văn khi sẵn sàng lao vào đám cháy để cứu người, dập tắt hỏa hoạn, nhặt được của rơi trả lại người mất, cứu người gặp tai nạn giao thông… Những bảo vệ PV Security đang trở thành một nét văn hóa đẹp của người Dầu khí.

Thay lời kết

An ninh tại khu kinh tế Nghi Sơn vẫn đang tồn tại một số vấn đề còn nan giải. Trong đó, phức tạp nhất là con đường 513 (đường ra cảng Nghi Sơn). Đây là con đường huyết mạch dẫn từ Quốc lộ 36 vào Khu kinh tế Nghi Sơn. Con đường này đi qua nhiều nhà máy trọng điểm như Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Cảng tổng hợp PTSC, đặc biệt là đi sát dọc chiều dài Khu LHLHD Nghi Sơn. Theo mắt thường cũng có thể nhận thấy rằng từ ven đường đến tường rào, các thiết bị lọc hóa dầu quan trọng của nhà máy chỉ có khoảng cách vỏn vẹn hơn 30m.




Kiểm tra, kiểm soát người ra vào Công trường

 
Trước đây, việc các hộ dân sinh sống, xây dựng hàng quán, thậm chí thả rông bò, trâu trên tuyến đường này là những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn về an ninh trật tự, giao thông đối với một nhà máy có cấp độ an toàn cao. Đáng lo ngại hơn nữa là việc các ngư dân thường xuyên vi phạm hành lang an toàn công trình biển của LHLHD Nghi Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2016 xảy ra hơn 300 vụ, hàng chục vụ đánh bắt cá bằng thuốc nổ, tàng trữ thuốc nổ trái phép… khiến tình trạng mất an ninh, an toàn ngày càng phức tạp. Bởi vậy cho dù lực lượng công an, biên phòng của huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có nỗ lực đến đâu thì những nguy cơ mất an ninh cao vẫn luôn tiềm ẩn sự bùng nổ với hậu quả khó lường.

Chúng tôi thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần ngay lập tức triển khai phương án đảm bảo an ninh an toàn cho toàn bộ khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn như lập trạm kiểm soát phương tiện ngay từ đầu đường dẫn vào khu kinh tế (điểm giao cắt giữ Quốc lộ 36 và đường 913), xây dựng một con đường hoặc tách toàn bộ dân cư, cảng cá Nghi Sơn ra khỏi khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn… Chỉ có làm được như vậy thì có thể phòng và chống tốt những nguy cơ mất an ninh, an toàn cho cả Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung và Khu LHLHD Nghi Sơn nói riêng.

Cho đến nay, chỉ có duy nhất Nghị định Số 06/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 9-1-2013 quy định về bảo vệ cơ quan doanh nghiệp. Để có thể thực hiện tốt khả năng phòng và chống tội phạm, bảo vệ được tài sản và con người của các cơ quan, doanh nghiệp trước sự liều lĩnh, manh động ngày càng tinh vi của tội phạm, chúng tôi thiết nghĩ cần bổ sung một số quy định phù hợp với thực tế. Đơn cử như cần quy định cụ thể hơn về quyền hạn, công cụ hỗ trợ của bảo vệ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt là quy định ở phần chế độ chính sách dành cho bảo vệ cần xem xét phong tặng, công nhận được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ đối với những bảo vệ đang công tác tại các công trình trọng điểm về an ninh quốc gia, có giá trị kinh tế lớn, ngoài các giàn khoan, trên tàu biển… Theo tôi, điều đó là xứng đáng đối với những hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ những dự án, công trình có giá trị lớn đối với kinh tế, an ninh năng lượng của Việt Nam như những người bảo vệ PVSecurity.

PV Security là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Dịch vụ Dầu khí (PTSC) với hơn 3.000 CBCNV. Tổng quân số bảo vệ của PV Security Nghi Sơn là 800 nhân viên. Tại Thanh Hóa, có 7 mục tiêu do PV Security đảm nhận bảo vệ, đảm bảo an ninh gồm: Công trường xây dựng NMLHD Nghi Sơn, 2 kho tàng, bãi tập kết vật tư thiết bị của Tổ hợp nhà thầu JGCS, Khu tổ hợp dịch vụ tổng hợp nhà ở JGCS, Khu vực thi công của PTSC Thanh Hóa, văn phòng PTSC Quảng Ngãi và Bãi tập kết và thi công dàn giáo Công ty TNHH MTV Kaefer Việt Nam.


Theo Bùi Thành Công - Báo Petrotimes